Hát Sắc bùa Phú Lễ là một trong 6 hình thức diễn xướng dân gian Bến Tre bên cạnh: hò, lý, hát ru, lối vè, Nói thơ Vân Tiên. Hát sắc bùa Phú Lễ đã chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào 23/01/2017.
Lịch sử hình thành và phát triển Hát sắc bùa Phú Lễ
Hát Sắc bùa Phú Lễ – Bến Tre ra đời từ cuối thế kỷ 18, đầu thế Kỷ 19, tồn tại phổ biến cho đến những năm 70 của thế kỷ 20. Theo một nghệ nhân hát sắc bùa lâu năm tại Phú Lễ chia sẻ, “Vào TK XVIII, hát sắc bùa được rể của ông Hồ Đức Hoa là ông Trần Văn Hậu – một quan chức ở tỉnh Bình Định đem về truyền dạy cho dân Phú Lễ. Từ đó đến nay, hát sắc bùa đã trở thành văn hóa phi vật thể, nét đặc trưng riêng, vừa pha tạp trong nghệ thuật, vừa mang tính chất yếm quỷ trừ tà, cầu bình an cho gia đạo, cầu mong một năm mới mùa màng bội thu.”
Tính về thời điểm ra đời, có thể nói, Hát sắc bùa là loại hình dân ca cổ nhất của Nam Bộ và đến nay đã có nhiều biến đổi so với ban đầu. Đây là hình thức diễn xướng tổng hợp, kết hợp cả nghệ thuật hát, múa và diễn xướng sân khấu sơ khai, có hình thức cử hành nghi lễ phù hợp với trình độ tư duy và cảm thụ nghệ thuật của cư dân nông nghiệp.
Hát sắc bùa vốn phổ biến ở một số tỉnh Bắc Bộ, Nam Trung Bộ Việt Nam. Tuy nhiên, tại Phú Lễ – Bến Tre, hình thức diễn xướng dân gian này đã được phổ biến, hiệu chỉnh theo văn hoá địa phương. Trong những ngày xuân này, tiếng hát sắc bùa càng rộn ràng hơn trên các nẻo đường quê. Hát sắc bùa mang ý nghĩa chúc tụng với lễ nghi nông nghiệp gắn cùng yếu tố tâm linh, cầu cho năm mới an lành, mùa màng cây cối tốt tươi, “người yên, vật thịnh“, trăm nghề tấn phát, bình an gia đạo trong dịp Tết Nguyên đán.
Thông thường, một đội hát sắc bùa phải có ít nhất 4 thành viên và được điều khiển bởi một “ông bầu”, các thành viên sẽ vừa là nhạc công vừa là ca sĩ. Nhạc cụ của một đội hát sắc bùa sẽ gồm có: trống cơm, đờn cò, sanh tiền, sanh cái; Hát sắc bùa Phú Lễ có ba phần cơ bản gồm: nghi lễ; hát chúc tụng, giúp vui và giã từ. Mỗi phần có nhiều bài như: mở cửa rào, khai môn, rước xuân, tiên sư, chúc làm ruộng, chúc nghề dệt vải, lý lơ thơ, giã từ…
Ở Bến Tre, nói đến hát sắc bùa là mọi người sẽ nhớ ngay đến xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, được xem là cái nôi của hát sắc bùa. Trải qua mấy mươi năm bị lãng quên, những thanh âm rộn ràng giờ lại vang khắp nẻo đường quê trong những ngày đầu xuân. Hát sắc bùa không chỉ đáp ứng được nguyện vọng của người dân cầu cho mùa màng tươi tốt, xóm làng bình yên, con người được mạnh khỏe, mà còn khơi dậy những giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên sự đoàn kết gắn bó, thắm tình quê hương.
Kể từ sau khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre thực hiện dự án sưu tầm “Diễn xướng sắc bùa Phú Lễ” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (năm 1998), phong trào hát sắc bùa Phú Lễ ở Bến Tre ngày càng phát triển và dần hình thành nhiều đội hát sắc bùa góp phần làm nên nét đặc sắc trong kho tàng văn hóa Xứ Dừa.
Đặc biệt, Nghệ Nhân Lư Hội, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm – người có công đầu trong quá trình sưu tầm và đưa hát sắc bùa Phú Lễ được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2017 – đã góp phần quan trọng đưa hát sắc bùa Phú Lễ đã phát triển với đỉnh cao là hình thành đội hát sắc bùa Phú Lễ xã Phong Nẫm.
Năm 2019, Học viện Âm nhạc Quốc gia đã đến ghi âm toàn bộ các điệu hát sắc bùa Phú Lễ do đội hát sắc bùa xã Phong Nẫm thực hiện, SV các trường CĐ Bến Tre, ĐH Fulbright Việt Nam cũng đã 6 lần đến nhà chú Nguyễn Văn Chấn (Bảy Chấn) Đội trưởng đội hát sắc bùa Phú Lễ xã Phong Nẫm để điền dã, thực địa và học hát sắc bùa Phú Lễ (riêng SV trường CĐ Bến Tre đã thực hiện 2 đề tài nghiên cứu về hát sắc bùa Phú Lễ tại Phong Nẫm).
Hát sắc bùa Phú Lễ sản phẩm du lịch đầy tiềm năng
Hiện nay, tỉnh Bến Tre có 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Nghề làm Bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm), nghề làm Bánh phồng Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm), lễ hội Nghinh Ông Bình Thắng (huyện Bình Đại) và hát sắc bùa Phú Lễ (huyện Ba Tri). Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là nguồn vốn văn hóa truyền thống địa phương cần được giữ gìn và phát huy.
Ngày 22/11/2019, trong chương trình “Hành trình về với Xứ Dừa Bến Tre” diễn ra tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô – Sơn Tây – Hà Nội), Bến Tre đã giới thiệu cho du khách trong, ngoài nước nhiều loại hình văn hóa hấp dẫn: Đờn ca tài tử Nam Bộ, nói thơ Lục Vân Tiên, ẩm thực từ dừa,…và không thể thiếu là hát sắc bùa Phú Lễ. Tiết mục này đã nhận được sự thu hút của đông đảo du khách bởi các giai điệu rất hay, lạ tai, lạ mắt qua cách trình bày tươi vui của các nghệ sĩ quê hương Xứ Dừa.
Hiện nay, hát sắc bùa Phú Lễ vẫn còn là loại hình nghệ thuật mới mẻ với giới trẻ cũng như với du khách. Để góp phần vào việc quảng bá văn hóa, nét đẹp truyền thống trong sinh hoạt đời thường của đất và người Xứ Dừa, đây sẽ là sản phẩm du lịch đầy tiềm năng.
Thời gian qua, Nông trại du lịch sân chim Vàm Hồ – Công ty TNHH DLST Hải Vân là một doanh nghiệp tâm huyết với bảo tồn di sản văn hóa Bến Tre đã tiên phong có những hoạt động thể nghiệm đưa hát sắc bùa Phú Lễ vào hệ thống sản phẩm du lịch mới của khu du lịch cùng với Nói thơ Vân Tiên bước đầu đã cho thấy những tín hiệu lạc quan về những sản phẩn du lịch văn hóa mới, hấp dẫn du khách chỉ có ở Bến Tre…
Quý tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm Hát sắc bùa Phú Lễ có thể liên hệ theo thông tin: Đội hát sắc bùa Phú Lễ xã Phong Nẫm
- Chú Nguyễn Văn Chấn – Đội trưởng: 0948727631
- Anh Lê Nguyễn Tuấn Lê – Quản lý Đội: 0932927535 (Call/Zalo)
- Email: sangtaotre2016@gmail.com
Trên đây là tổng hợp những thông tin mới nhất về Hát sắc bùa Phú Lễ – Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Bến Tre. Du lịch Tôi và Bạn xin chia sẻ cùng các bạn.
Chúc các bạn có những chuyến đi thật vui và ý nghĩa!
Nguồn: Tổng hợp.
Đừng quên gọi Hotline: 0907.98.33.96 để được hỗ trợ tư vấn về chuyến Du lịch Bến Tre sắp tới của bạn nhé!
Du lịch Tôi và Bạn hân hạnh được phục vụ Quý khách!