Chuyển tới nội dung

Du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Bến Tre có điều kiện phát triển sau covid-19

Du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Bến Tre

Hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Bến Tre trong những năm qua đã đạt được những thành tựu đáng kể thể hiện qua việc khai thác tốt và phát huy thế mạnh với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch đặc sắc như: du lịch sinh thái, tham quan các vườn dừa, vườn cây ăn trái, trải nghiệm ở homestay và tham quan các làng nghề truyền thống…

Vậy du lịch nông nghiệp, nông thôn là gì? và định hướng phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Bến Tre ra sao? Mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

Du lịch nông nghiệp, nông thôn là gì?

Du lịch nông nghiệp (DLNN) trong tiếng Anh được gọi là Agritourism. Du lịch nông nghiệp là một loại hình du lịch tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ du khách chủ yếu dựa vào nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Theo các chuyên gia, cần có bốn thành tố để được gọi là “du lịch nông nghiệp”, đó là:

  1. Kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp;
  2. Thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp;
  3. Tăng thu nhập cho nông dân;
  4. Tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông.

Việc phát triển loại hình DLNN có tác dụng giúp đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch hỗn hợp cho du khách, gia tăng luồng du khách đến các vùng nông thôn; kéo dài mùa vụ du lịch trong những thời gian thấp điểm của Ngành. Tham gia hình thức du lịch này, du khách được trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp, thưởng thức vẻ đẹp cảnh quan nhân văn do hoạt động sản xuất nông nghiệp tạo ra.

Trên thế giới loại hình này phát triển mạnh vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Ở mỗi quốc gia, Du lịch nông nghiệp lại có những tên gọi khác nhau. Cụ thể: ở Anh là Rural-tourism (du lịch nông thôn), ở Mỹ là Homestead (du lịch trang trại), Nhật Bản là Green-tourism (du lịch xanh), còn ở Pháp là Tourism de verdure (du lịch với cỏ cây)…

Bên cạnh tên gọi, sự hình thành và phát triển của DLNN ở mỗi quốc gia cũng có sự đa dạng và cách thức triển khai khác nhau đáng kể. Theo đó, ở Israel, DLNN là hình thức giáo dục bắt buộc từ sớm cho trẻ em. Tại Mỹ, hàng năm thường tổ chức nhiều sự kiện lớn về DLNN.

Hiện nay, theo thống kê mỗi năm, người Mỹ chi khoảng hơn 800 triệu USD cho các hoạt động du lịch nông trại. Con số này được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng khi diện tích dành cho nông nghiệp ngày càng ít đi. Những mô hình nông trại ở Mỹ đã thực sự khẳng định tính hiệu quả trong phát triển DLNN, và người nông dân hoàn toàn có thể chủ động tìm đầu ra cho các sản phẩm của mình, bằng cách đưa du lịch về với các nông trại.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Bến Tre

Nhiều năm qua, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Bến Tre đã được khai thác và phát huy thế mạnh với nhiều loại hình và sản phẩm du lịch như: du lịch tham quan các vườn dừa, vườn cây ăn trái, trải nghiệm sống trong nhà dân và tham gia sinh hoạt với người dân; tham quan và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống, thưởng thức những món ăn đặc trưng gắn liền với cây dừa…

Đưa nông sản tiếp cận du khách

Để hỗ trợ cho nông dân phát triển mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp nông thôn, thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân phát triển mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên đầu tư những dự án hạ tầng kỹ thuật xã hội như cầu, đường, giao thông, viễn thông, điện, nước đến các vùng, địa phương. Chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã đẹp, chất lượng cao phục vụ cho khách du lịch như các sản phẩm làm từ dừa, hàng thủ công mỹ nghệ, gạo sạch của Thạnh Phú.

Hiện nay, các tour du lịch đặc trưng về loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp ở tỉnh gồm: du lịch tham quan các vườn dừa, vườn cây ăn trái; du lịch trải nghiệm sống trong nhà dân; tham quan và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống, thưởng thức những món ăn đặc trưng gắn liền với cây dừa…

Loại hình du lịch homestay ở tỉnh thời gian qua phát triển, hiện toàn tỉnh có 41 homestay với sức chứa trên 1.000 khách, tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm và TP. Bến Tre. Du lịch homestay đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Ngoài ra, hoạt động của các hộ sản xuất nông nghiệp huyện Thạnh Phú cũng đang bước đầu gắn kết với phát triển du lịch, khách sẽ được hướng dẫn đến tham quan và mua các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương như xoài tứ quý, nghêu, tôm, cua…

Đặc biệt, hiện nay bưởi da xanh, dừa uống nước xiêm xanh, sầu riêng Cái Mơn, tôm càng xanh, cua biển của Bến Tre được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, đã tạo điều kiện thuận lợi đưa các sản phẩm nông sản chất lượng của tỉnh tiếp cận khách du lịch trong và ngoài nước.

Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn để giúp nông dân nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, kiến thức, kỹ năng về kinh doanh du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp. Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh, điểm đến, tạo cầu nối liên kết giữa các đơn vị lữ hành với người dân để kết nối tour tuyến thu hút khách DL đến tham quan và trải nghiệm. Song song đó, có nhiều cơ chế chính sách được lồng ghép trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Một sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn cũng được xem là thế mạnh của du lịch Bến Tre đó là làng nghề nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 57 làng nghề đã được công nhận, trong đó 39 làng nghề nông nghiệp, 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Các làng nghề nông nghiệp truyền thống chủ yếu sử dụng phương pháp sản xuất thủ công, tạo sự hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước khi tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm các công đoạn tạo ra sản phẩm như sản xuất cây giống, hoa kiểng, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt chiếu, đan giỏ cọng dừa, chế biến cá khô, rượu Phú Lễ, kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồng…

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Bên cạnh những kết quả đạt được, các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn hiện nay chưa đạt yêu cầu, nhiều tiềm năng nhưng khai thác chưa thật sự tương xứng. Cụ thể như: tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, đã ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Cơ sở hạ tầng tiếp cận các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn thiện. Cơ sở vật chất tại nhiều điểm du lịch chưa đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch do hạn chế về nguồn vốn đầu tư, trình độ quản lý. Sản phẩm còn đơn điệu, chất lượng thấp chưa đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của du khách. Trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế. Sự kết nối các điểm du lịch nông nghiệp với các công ty lữ hành hiện nay chưa bền vững, chưa có hợp đồng lâu dài. Nguồn khách không ổn định vì các điểm du lịch chưa thể tiếp cận được với các hoạt động marketing hay chủ động tìm kiếm nguồn khách; vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa được đảm bảo.

Để phát triển mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp nông thôn một cách bền vững, lâu dài, khai thác hết tiềm năng của địa phương và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người nông dân về những lợi ích thiết thực từ việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Quy hoạch phát triển nông nghiệp phải gắn kết chặt chẽ với quy hoạch du lịch để đảm bảo định hướng phát triển bền vững và hỗ trợ lẫn nhau. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm để tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng của mỗi địa phương.

Có cơ chế chính sách đặc thù, ưu tiên cho loại hình du lịch nông nghiệp. Thực hiện quy hoạch đào tạo, liên kết đào tạo, chuẩn hóa nguồn nhân lực cho mô hình du lịch nông nghiệp. Đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong mô hình phát triển du lịch nông nghiệp. Rà soát, đánh giá lại hiện trạng các làng nghề đã được công nhận, từ đó có kế hoạch phát triển các làng nghề đảm bảo các điều kiện phục vụ du lịch. Đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các làng nghề trong việc duy trì, mở rộng, nâng cấp cơ sở, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch. Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá các sản phẩm du lịch nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cùng với các sản phẩm du lịch gắn nông nghiệp đang được khai thác, hiện nay tỉnh Bến Tre đang triển khai thực hiện Đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách. Đây là một trong những nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.
Huyền Thu

Trên đây là tổng hợp những thông tin mới nhất về mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Bến Tre. Du lịch Tôi và Bạn xin chia sẻ cùng các bạn.

Chúc các bạn có những chuyến đi thật vui và ý nghĩa!

Nguồn: Tổng hợp.

Đừng quên gọi Hotline: 0907.98.33.96 để được hỗ trợ tư vấn cho chuyến Du lịch Bến Tre sắp tới của bạn nhé!

Du lịch Tôi và Bạn hân hạnh được phục vụ Quý khách!