Chuyển tới nội dung

SÁCH MỚI “NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (1822-1888), NHÀ THƠ LỚN, NHÀ VĂN HÓA KIỆT XUẤT”

Sách mới Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Nhà thơ lớn, Nhà văn hóa kiệt xuất

Quyển sách “NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (1822-1888), NHÀ THƠ LỚN, NHÀ VĂN HÓA KIỆT XUẤT” là một phần quan trọng trong quá trình xây dựng Hồ sơ khoa học Danh nhân Văn hóa Việt Nam trình UNESCO ra Nghị quyết kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu vào năm 2022. Sau thời gian tích cực chuẩn bị, tỉnh Bến Tre vừa tổ chức ra mắt một ấn phẩm mới về Nguyễn Đình Chiểu do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành, quyển sách mới nhất về Nguyễn Đình Chiểu do GS.TS. Nguyễn Chí Bền biên soạn.

Bìa sách “Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Nhà thơ lớn, Nhà văn hóa kiệt xuất” (Ảnh LT)
Bìa sách “Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Nhà thơ lớn, Nhà văn hóa kiệt xuất” (Ảnh LT)

Thông tin về sách Nguyễn Đình Chiểu – Nhà thơ lớn, Nhà văn hóa kiệt xuất

Sách dày 112 trang, khổ 13 x 19 cm, đây là một cuốn sách quý lần đầu tiên tỉnh Bến Tre thực hiện phục vụ nhiệm vụ “ngoại giao văn hóa” trong khuôn khổ bộ Hồ sơ khoa học Danh nhân Văn hóa Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam trình UNESCO ra Nghị quyết kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông vào năm 2022. Ấn phẩm được in bằng 3 thứ tiếng: Việt, tiếng Anh (phần Anh ngữ dịch giả Nguyễn Thị Thu Hương, biên tập Nguyễn Thành Long) và tiếng Pháp (phần Pháp ngữ dịch giả Trần Văn Công).

Trong lời giới thiệu mở đầu sách, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đã nhấn mạnh: “Hơn 150 năm qua, cảm phục, kính trọng nhà thơ lớn, nhà văn hóa kiệt xuất Nguyễn Đình Chiểu, nhân dân Bến Tre, đại diện cho nhân dân cả nước, đã làm rất nhiều công việc có ý nghĩa để bảo vệ, quảng bá, phát huy di sản văn hóa mà Nguyễn Đình Chiểu để lại cho thế hệ hôm nay từ xây dựng nhà thờ, khu mộ đến xuất bản các tác phẩm của Cụ. Hướng tới kỷ niệm lần thứ 200 ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu (1822-2022), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre giao cho GS.TS. Nguyễn Chí Bền, một người đã dành nhiều thời gian và tâm huyết nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu viết cuốn sách Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), nhà thơ lớn, nhà văn hóa kiệt xuất”.

Nội dung sách bao gồm sách gồm 6 phần:

  • Lời giới thiệu;
  • Phần 1: Quê hương và gia đình;
  • Phần 2: Con người và sự nghiệp;
  • Phần 3: Nhà thơ yêu nước lo lắng cho số phận con người trong thời loạn, yêu hòa bình;
  • Phần 4: Nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam;
  • Phần 5: Tôn vinh của người đương thời và hôm nay và Kết luận cùng 19 bức ảnh của các tác giả trong và ngoài tỉnh minh họa cho cuộc đời, sự nghiệp và dấu ấn của Nguyễn Đình Chiểu ở trong và ngoài nước.

Đôi nét về tác giả

Tác giả Nguyễn Chí Bền, người từng có 13 năm sinh sống, dạy học và sưu khảo về văn hóa ở Bến Tre và nhóm thực hiện đã dầy công nghiên cứu, sưu khảo từ thư tịch trong và ngoài nước ở Pháp, Nhật Bản… Điểm xuyết từ các tác phẩm viết tay bằng chữ Nôm làm nên sự nghiệp sáng tác thơ văn yêu nước, dạy làm người của Nguyễn Đình Chiểu đã toát lên triết lý nhân sinh của một nhà văn hóa lớn thể hiện trong bài Than đạo:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà
.”

Đây là triết lý nhân sinh, triết lý văn hóa của một nhà thơ đạo lý, một nhà văn hóa lớn – Nguyễn Đình Chiểu, người gắn bó với quê hương Bến Tre 26 năm lúc sinh thời và yên nghỉ vĩnh hằng ở nơi đây… Cả cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu sống theo triết lý này: từ người thầy giáo mù lòa dạy học trò ở Gia Định, Cần Giuộc, Long An và Ba Tri, Bến Tre hẳn đã dạy những điều người thầy tâm huyết. Vì thế, ở Bến Tre “Không ít những nhà giáo, nhà nho, thầy thuốc, nhà thơ gắn bó với nhân dân theo phong cách của cụ Đồ sớm được giác ngộ và gia nhập tổ chức tiền thân Thanh niên cách mạng đồng chí hội… sau đó thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng” ở Tân Xuân Ba Tri.

Các sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu được viết dưới ánh sáng của triết lý này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là chính đạo. Chính vì vậy, “tầm vóc lớn lao của nhà văn hóa lớn hiển hiện trong cuộc đời và sáng tác văn chương, văn hóa của Nguyễn Đình Chiểu luôn vượt qua số phận nghiệt ngã của cá nhân, số phận đau thương của đất nước, tỏa sáng gần hai trăm năm qua” (GS.TS. Nguyễn Chí Bền, lời nói đầu của tập sách “Thơ văn yêu nước và Truyện thơ Lục Vân Tiên“).

Ngoài ra, nội dung chính của cuốn sách cũng đã điểm qua các tiểu luận nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu xuất hiện ở trong nước và nước ngoài liên tục trong gần 200 năm qua như Trần Cửu Chấn (tiếng Pháp, 1948, 1971), Bùi Thanh Ba (tiếng Trung, 1972 ), Hoàng Giật Cầu (tiếng Trung, 1972), Niculin (tiếng Nga, 1972 ) v. v … và hàng trăm tiểu luận bằng Tiếng Việt của hàng trăm nhà nghiên cứu trong nước về cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu đã công bố suốt gần 200 năm qua.

Theo đó, các công trình nghiên cứu dạng chuyên khảo về con người và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu khá nhiều. Thống kê từ năm 1938 đến năm 2017 đã có hơn 20 tác giả viết chuyên khảo về con người và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu. Đánh giá về sự nghiệp sáng tác và cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu, tác giả Nguyễn Chí Bền nhận định: “Từ triết lý văn hóa thể hiện trong sáng tác văn chương đến hành động trong cuộc đời dạy học, làm thầy thuốc, ở Nguyễn Đình Chiểu luôn có sự nhất quán. Vì thế, có thể nói, Nguyễn Đình Chiểu là nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam.”

Từ nhận định này, trong phần kết luận cuốn sách, tác giả viết: “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn, một nhà văn hóa kiệt xuất đã đồng hành cùng người dân Bến Tre nói riêng, người dân Việt Nam nói chung gần 200 năm qua. Tư tưởng thương yêu con người, yêu hòa bình, triết lý văn hóa sâu sắc của Cụ thể hiện trong sáng tác văn chương, trong hành động của Nguyễn Đình Chiểu là di sản quý giá, đồng hành cùng con người hôm nay đi tới tương lai”.

Cùng với Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, hình tượng Cụ Đồ luôn hiển hiện trong lòng dân, gần 200 năm qua, tác phẩm của nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Chiểu và các công trình nghiên cứu, viết về Cụ Đồ đã được xuất bản, giới thiệu trong và ngoài nước. Ở Bến Tre, sau năm 1975, tỉnh Bến Tre đã xuất bản Lục Vân Tiên, Thơ văn yêu nước chống Pháp.

Trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu, sau tập sách “Thơ văn yêu nước và Truyện thơ Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu do Hội Văn Nghệ Nguyễn Đình Chiểu ấn hành năm 2020, đầu năm 2021 này cuốn sách Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), nhà thơ lớn, nhà văn hóa kiệt xuất ra mắt như một món quà đặc biệt không chỉ đáp ứng Hồ sơ khoa học Danh nhân Văn hóa Nguyễn Đình Chiểu trình UNESCO, mà còn phục vụ các nhà nghiên cứu, đông đảo bạn đọc trong và thế giới, như lời Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam: “Quyển sách là một trong các hoạt động tưởng nhớ nhà thơ yêu nước lớn, nhà văn hóa kiệt xuất Nguyễn Đình Chiểu”.

Theo Lâm Trúc.