Hai Làng nghề truyền thống Bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh) và Bánh phồng Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng) huyện Giồng Trôm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào ngày 30/10/2018 theo Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL – “Về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Dù hai làng nghề này đã tồn tại hàng trăm năm nay nhưng hương vị của bánh tráng Mỹ Lồng và bánh Phồng Sơn Đốc vẫn luôn giữ vững chất lượng và là đặc sản nổi tiếng của miền Tây nói chung và Bến Tre nói riêng.
Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng
Về tên gọi bánh tráng Mỹ Lồng, được xuất phát từ tên gọi của một khu chợ nhỏ trước đây của vùng đất này. Khu chợ nhỏ này nổi tiếng mua bán các loại bánh tráng đặc sản hấp dẫn, nổi tiếng từ hàng trăm năm nay. Nhưng thời gian ra đời của bánh tráng Mỹ Lồng chưa được xác định cụ thể. Hỏi thăm những người làm nghề trong làng thì nhận được chia sẻ mộc mạc chân thành rằng: “Là nghề truyền thống mấy ai biết nó có từ khi nào, chỉ biết vừa mới chập chững biết đi đã… vấp phải những chồng bánh tráng trong nhà, lớn lên thì nối nghiệp, nghề sinh nghề là vậy…”
Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng đã tồn tại hàng trăm năm nay. Bánh tráng Mỹ Lồng nổi tiếng với ba loại như sau:
- Bánh tráng loại đặc biệt vừa có dừa, vừa có sữa, trứng gà;
- Bánh tráng loại có dừa, không sữa;
- Bánh tráng loại có sữa, không dừa.
Quy trình thực hiện bánh tráng gồm ngâm gạo, dừa vắt lấy nước cốt thắng chín, xay bột gạo, tráng bánh, phơi bánh, nướng bánh.
Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng hiện nay có khoảng hơn 150 lò bánh. Vì là làng nghề lưu truyền hàng trăm năm nay nên có những hộ gia đình đang là thế hệ thứ 2, thứ 3 làm nghề bánh tráng này. Mỗi thế hệ sau, đều được truyền lại bí quyết làm bánh ngon, đặc trưng riêng. Mỗi người dân làm bánh tráng Mỹ Lồng đều khéo léo, điệu nghệ như nghệ nhân thực sự. Từ đó những chiếc bánh tráng Mỹ Lồng được lưu truyền gìn giữ đến tận hôm nay.
Những cái bánh tráng xứ Mỹ Lồng đặc trưng riêng với hương vị vừa béo vừa xốp, đặt lên lò than tỏa hương thơm lừng. Ai thưởng thức qua cũng nhớ hoài, ai về Bến Tre nhất định phải tìm ăn thử.
Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc
Cùng với bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc hiện cũng chưa xác định được thời điểm ra đời cụ thể. Chỉ biết nó cũng tồn tại hàng trăm năm nay như bánh tráng Mỹ Lồng. Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc hiện có khoảng hơn 30 cơ sở sản xuất bánh phồng. Ngoài bánh phồng, người dân ở đây còn sản xuất thêm một số loại bánh như bánh phồng chuối, bánh phồng mì, bánh phồng mít, bánh phồng hành để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.
Bánh phồng Sơn Đốc đặc trưng bởi hương vị của nước cốt dừa đậm đặc hòa quyện với nước, hương vị thơm ngon ấy trọn vẹn trên một chiếc bánh. Nếp làm bánh phồng Sơn Đốc phải là nếp sáp, dẻo, thơm đặc biệt. Nếp này mang đi đồ cho chín rồi trộn với đường, bột vani rồi mới đem quết. Khi quết thì phải lựa người có kinh nghiệm để họ quết thật kỹ và trở đều tay, nếu không bột sẽ bị lợn cợn óc trâu, bánh cán ra sẽ không đạt chất lượng và rất xấu.
Ngày nay cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hầu hết các hộ dân ở làng nghề bánh phồng Sơn Đốc đều trang bị máy quết và máy cán, giúp quy trình làm bánh đỡ vất vả phần nào. Nhờ đó sản lượng bánh cũng ngày một nhiều hơn.
Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc là món ăn kết tinh sự khéo léo, sáng tạo của cha ông, gói trọn cả vào đó tấm lòng của người làm bánh, cùng bao sản vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho xứ dừa. Thời thế thay đổi, ngày nay có nhiều món ăn ngon và hấp dẫn hơn nhưng bánh tráng Mỹ Lồng vẫn luôn có một chỗ đứng trong lòng thực khách. Chiếc bánh được người dân nơi đây trân trọng mang đi biếu bạn bè, người thân trong những chuyến xa quê. Và dần dần bánh được nhiều người thưởng thức và yêu mến hơn, trở thành món quà đặc sản của quê hương Bến Tre.
Hiện nay, nhiều gia đình tại Mỹ Lồng vẫn miệt mài với nghề truyền thống của ông cha, vừa giữ gìn làng nghề quê hương lại có thêm thu nhập. Từ những nguyên liệu đơn giản người thợ bánh khéo léo tráng lên những chiếc bánh vừa trắng trong vừa thơm. Lại thêm sự sáng tạo nên bánh ở Mỹ Lồng mang nhiều hương vị chay mặn cho thực khách nhiều lựa chọn hơn.
Những chiếc bánh tráng Mỹ Lồng bánh phồng Sơn Đốc đang ngày càng nổi tiếng, được đón nhận, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Đó là niềm tự hào của người dân Mỹ Lồng, Sơn Đốc.
Để tiếng lành của bánh phồng Sơn Đốc vang xa, bên cạnh việc giữ gìn chất lượng sản phẩm, việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; cải tiến bao bì, đồng thời mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cũng là vấn đề cần được lãnh đạo địa phương và các cơ sở sản xuất quan tâm. Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa làng nghề bánh phồng Sơn Đốc, cũng như nhiều làng nghề khác, với công tác quảng bá đối với du khách trong hoạt động du lịch sẽ giúp góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập của người dân xã Hưng Nhượng nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung.
Trên đây là tổng hợp những thông tin mới nhất về nghề truyền thống “Bánh tráng Mỹ Lồng” và “Bánh phồng Sơn Đốc” – Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại Bến Tre. Du lịch Tôi và Bạn xin chia sẻ cùng các bạn.
Chúc các bạn có những chuyến đi thật vui và ý nghĩa!
Nguồn: Tổng hợp.
Đừng quên gọi Hotline: 0907.98.33.96 để được hỗ trợ tư vấn về chuyến Du lịch Bến Tre sắp tới của bạn nhé!
Du lịch Tôi và Bạn hân hạnh được phục vụ Quý khách!