Diễn đàn Hợp tác và Phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long – “THÚC ĐẨY SÁNG KIẾN ĐỊA PHƯƠNG – TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC ĐA PHƯƠNG“
Diễn đàn Hợp tác và Phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long 2021 (Diễn đàn ĐBSCL) chủ đề “Thúc đẩy sáng kiến địa phương – Tăng cường hợp tác đa phương” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức ngày 4/11 bằng cả 2 hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với 13 tỉnh ĐBSCL và thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của gần 200 đại biểu trong nước và quốc tế.
Tại Bến Tre ông Nguyễn Quốc Bảo Chủ tịch, ông Nguyễn Huy Phục Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Bến Tre, đại diện các Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Trường Cao đẳng Bến Tre, Nông trại sân chim Vàm Hồ, Câu lạc bộ Trí thức Trẻ, nhóm Sáng tạo Khởi nghiệp Bến Tre đã tham dự Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA nhấn mạnh: biến đổi khí hậu gây ra nhiều thách thức lớn như xâm nhập mặn, hạn hán, sụt lún, suy giảm hệ sinh thái và các nguồn lợi nông thủy sản, tác động trực tiếp đến đời sống người dân ĐBSCL, tác động đó càng gay gắt hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, với truyền thống tốt đẹp của Dân tộc Việt Nam, với tinh thần đổi mới sáng tạo và ứng dụng KH&CN cao, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của đội ngũ trí thức KH&CN và sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, ông tin tưởng rằng với sự hợp tác đa phương và phát huy yếu tố con người, ĐBSCL sẽ sớm phục hồi và phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và sống chung với Covid-19.
Diễn đàn ĐBSCL 2021 gồm 3 phiên chính, phiên thứ nhất tập trung vào định hướng quy hoạch – cơ hội cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững cho ĐBSCL với 6 báo cáo của các chuyên gia trong và ngoài nước được trình bày: Chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện với báo cáo Tổng quan về Nghị quyết 120/2017/NĐ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường Đồng bằng sông Cửu Long.
GS.TS. Lê Anh Tuấn, Cố vấn cao cấp, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ có báo cáo về Quy hoạch tích hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long: những quan điểm và định hướng phát triển.
GS.TS. Marco Abbiati, Tùy viên Khoa học, Tham tán Đại sứ quán Ý tại Việt Nam với báo cáo Phát triển kinh tế và bảo tồn theo hướng “thuận thiên”, hàm ý đối với sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long.
TS. Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch LHH TP. Cần Thơ với báo cáo Vai trò TP. Cần Thơ đối với sự phát triển của Đồng bằng Sông Cửu Long: những ưu tiên chiến lược và đề xuất của đội ngũ trí thức KH&CN Thành phố. Tiến sĩ François Louis Roger, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á, CIRAD với báo cáo Nghiên cứu của CIRAD về hệ sinh thái nông nghiệp: các thế mạnh hiện tại ở Đông Nam Á và những lợi ích và thách thức ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt GS.TS. Võ Tòng Xuân trong bài trình bày của mình đã chỉ ra nhiều biện pháp thiết thực giúp tăng cường lợi thế của các tỉnh ĐBSCL để phát triển, kết nối trong và ngoài vùng (với Tp. Hồ Chí Minh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với các nước Đông Nam Á …) hướng tới sự phát triển bền vững của một khu vực thịnh vượng.
Sau phần trình bày của các diễn giả, Diễn đàn còn được nghe bài chia sẻ của GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch LHH Tp. Hồ Chí Minh: Liên kết vùng để phát triển kinh tế giữa TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long: những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hậu Covid-19 và đề xuất.
Phiên thứ 2 của Diễn đàn vào buổi chiều có 2 báo cáo: Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID đã trình bày các giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo để phát triển bền vững và chủ động ứng phó với BĐKH cho ĐBSCL, đây cũng chính là chủ đề của chương trình tìm kiếm sáng kiến về năng lượng thích ứng BĐKH ĐBSCL – nét mới của Diễn đàn năm nay.
Nội dung thu hút sự quan tâm của Diễn đàn là báo cáo của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Ban HTQT, VUSTA giới thiệu về tiến trình thực hiện tìm kiếm sáng kiến địa phương phát triển bền vững ĐBSCL và Công bố 13 sáng kiến về năng lượng thích ứng BĐKH góp phần phát triển bền vững ĐBSCL được lựa chọn tài trợ thực hiện, trong số này Bến Tre có 3 sáng kiến.
Sau khi công bố kết quả sáng kiến, trong phần chia sẻ của đại diện tác giả sáng kiến: ông Lâm Thành Đắc, Chủ tịch Liên hiệp hội Bạc Liêu trình bày báo cáo về Thực trạng phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh Bạc Liêu và những vấn đề đặt ra hiện nay.
Ông Phạm Văn Luân, Đại diện Nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre đã trình bày ý kiến về việc Huy động sáng kiến khoa học và kỹ thuật từ cộng đồng và đội ngũ trí thức KH&CN trẻ góp phần giải quyết các thách thức khí hậu của Đồng bằng Sông Cửu Long.
Phiên thứ ba cũng là phiên kết thúc Diễn đàn, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận bàn tròn về tăng cường hợp tác đa phương, phát động kêu gọi, tìm kiếm sáng kiến cho Diễn đàn ĐBSCL năm 2022.
Diễn đàn ĐBSCL 2021 là hoạt động thiết thực của VUSTA hưởng ứng Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) tại Glasgow, Vương quốc Anh từ kết quả của Diễn đàn ĐBSCL, các nhà khoa học, chuyên gia đã chia sẻ, trao đổi về các cơ hội, thách thức cũng như đề xuất các giải pháp chủ động ứng phó với BĐKH tại ĐBSCL trong bối cảnh sống chung với Covid-19.
Diễn đàn vì vậy đã tạo nên hiệu ứng tích cực cho hợp tác đa phương thúc đẩy sáng kiến địa phương ở ĐBSCL như lời phát biểu của Ngài Giorgio Aliberti – Đại sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam: ĐBSCL ngoài việc đối mặt với những thách thức to bởi BĐKH, nền kinh tế và sinh kế của người dân còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Ngài Đại sứ kêu gọi cần có hành động tập thể mạnh mẽ của tất cả các bên liên quan giúp ĐBSCL khắc phục và phục hồi bền vững trong bối cảnh sống chung với Covid-19, về phần EU và các nước thành viên Đại sứ Giorgio Aliberti cho biết Phái đoàn EU sẽ tiếp tục hỗ trợ vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL.
Theo: Kim Thư.