Chuyển tới nội dung

Bến Tre Tham Gia Tọa Đàm Khoa Học Quốc Tế “Nâng Cao Quyền Lực Của Phụ Nữ Đô Thị Trong Kỷ Nguyên Số”

Tọa đàm Khoa học quốc tế chủ đề Nâng cao quyền lực của phụ nữ đô thị trong kỷ nguyên số

Nhằm tạo ra môi trường học thuật để các học giả, nghiên cứu viên, giảng viên, các nhà quản lý, các doanh nghiệp… trong và ngoài nước có điều kiện chia sẻ những nghiên cứu liên quan đến chủ đề tọa đàm, khẳng định phụ nữ có vai trò ngày càng quan trọng trong nỗ lực chung của nhân loại ứng phó với các thách thức đe doạ ổn định và phát triển của các quốc gia, từ xung đột vũ trang, bạo lực cực đoan, đến biến đổi khí hậu, nghèo đói, bất bình đẳng xã hội, dịch Covid-19; cũng như nhận ra những thách thức, nguy cơ tác động đến những nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương trong xã hội liên quan đến điều kiện sống trong đô thị, hoàn cảnh gia đình, ngành nghề,… Ngày 26/3/2021, tại Liên hiệp Các Tổ chức Hữu nghị TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn và Liên hiệp Các Tổ chức Hữu nghị thành phố đã phối hợp tổ chức Tọa đàm Khoa học quốc tế chủ đề “Nâng cao quyền lực của phụ nữ đô thị trong kỷ nguyên số“.

Các thành viên tham dự tọa đàm Khoa học quốc tế chủ đề Nâng cao quyền lực của phụ nữ đô thị trong kỷ nguyên số
Các thành viên tham dự tọa đàm Khoa học quốc tế chủ đề Nâng cao quyền lực của phụ nữ đô thị trong kỷ nguyên số

Tham dự Tọa đàm có trên 50 đại biểu là Tổng lãnh sự quán các nước tại Tp Hồ Chí Minh, Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á, các học giả, nghiên cứu viên, giảng viên, các nhà quản lý đến từ các trường, viện, các các doanh nghiệp… trong nước.

TS. Phan Thanh Định khai mạc Tọa đàm. - Ảnh LT
TS. Phan Thanh Định khai mạc Tọa đàm. – Ảnh LT

Trong phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Phan Thanh ĐịnhPhó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cho biết, việc tổ chức tọa đàm có ý nghĩa góp phần thúc đẩy triển khai Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự Phát triển Bền vững (SDGs) nên đã thu hút 16 nhà nghiên cứu gửi bài cho Ban Tổ chức tập trung vào các vấn đề: Lý thuyết về giới trong đô thị. Giới và trí tuệ nhân tạo; Cơ hội, vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên số ở các lĩnh vực như: Quản lý, Kinh tế, Văn hóa, Chính trị, Giáo dục, Môi trường, Y tế; Những nguy cơ, thách thức của phụ nữ đô thị trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0; Những đề xuất, ý kiến liên quan đến chủ đề của tọa đàm.

Các diễn giả của Tọa đàm nhận quà từ Ban tổ chức. - Ảnh LT
Các diễn giả của Tọa đàm nhận quà từ Ban tổ chức. – Ảnh LT

Tại Tọa đàm, đại biểu đã nghe trình bày 7 báo cáo gồm:

  1. Phát huy vai trò của phụ nữ Bến Tre trong kỷ nguyên số – Tầm nhìn từ công nghiệp văn hóa ở quê hương nhà bác học Trương Vĩnh Ký – ThS.Phạm Văn Luân;
  2. Từ CEO xanh đến sao đỏ và… gieo mầm tương lai – Học viên Cao học Lưu Thị Thanh Mẫu;
  3. Khóa học thay đổi nhận thức về dinh dưỡng và sức khỏe online giúp phụ nữ đô thị nâng tầm chất lượng sống – ThS.Nguyễn Hải Nguyên;
  4. Từ ý tưởng chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ đến khởi nghiệp sản phẩm Tropicana slim (Indonesia) không đường hay không năng lượng – Lê Thị Nguyệt – Edwin Setianwan;
  5. Nâng cao quyền lực của phụ nữ Đài Loan – ThS.Trần Hiếu Thành;
  6. Nâng cao quyền lực của phụ nữ đô thị trong kỷ nguyên kỹ thuật số – TS. Saraswathy Sinnakkannu;
  7. Và Đội ngũ nữ trí thức Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh trước kỷ nguyên chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cộng đồng ASEAN – tầm nhìn đến năm 2025- PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân.
ThS. Phạm Văn Luân trình bày báo cáo tại Tọa đàm. - Ảnh: LT
ThS. Phạm Văn Luân trình bày báo cáo tại Tọa đàm. – Ảnh: LT

Tham gia và báo cáo tại Tọa đàm đại diện Bến Tre có bài nghiên cứu của ThS. Phạm Văn Luân, trường CĐ Bến Tre: “Phát huy vai trò phụ nữ Bến Tre trong kỷ nguyên số – Tầm nhìn từ công nghiệp văn hóa ở quê hương bác học Trương Vĩnh Ký“, tác giả đã khẳng định vị thế, vai trò của phụ nữ Bến Tre đã tạo nên nét đẹp văn hóa của vùng đất và con người miệt vườn Chợ Lách. Tuy đến nay đã có những thành tựu bước đầu, song việc gắn kết, nâng cao hàm lượng khoa học thúc đẩy khai thác phát triển văn hóa miệt vườn Chợ Lách chưa tương xứng tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của kỷ nguyên số. Một trong những nguyên nhân chính theo tác giả là do tỉnh Bến Tre nói chung chưa có định hướng phát huy vai trò, vị thế phụ nữ, hỗ trợ nữ giới đi đầu nâng cao hàm lượng khoa học thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp phát triển văn hóa miệt vườn trong kỷ nguyên số.

Sau khi phân tích từ 6 cơ sở khoa học và thực tiễn của việc tiếp cận Công nghiệp văn hóa (CNVH) hướng tới kỷ nguyên số ở Bến Tre, tác giả đã đề xuất 6 giải pháp phát huy vai trò phụ nữ Bến Tre trong kỷ nguyên số gồm:

  1. Tổ chức khảo sát, đánh giá lại các mô hình quản trị và đầu tư căn cơ cho các làng nghề truyền thống, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ;
  2. Xác định CNVH và gia tăng hàm lượng khoa học trong nền kinh tế sáng tạo là điểm nhấn của chương trình phát triển kinh tế – xã hội thời đại kỷ nguyên số trong toàn hệ thống chính trị;
  3. Tập trung đầu tư phát triển phụ nữ trở thành lực lượng chủ công làm gia tăng hàm lượng khoa học trong các mô hình du lịch miệt vườn phát triển trên nền CNVH;
  4. Có nhiều hình thức mời gọi, tôn vinh, khen thưởng phụ nữ có tinh thần hiếu học, say mê nghiên cứu, nhanh nhạy tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ, sáng tạo lao động, tinh thần doanh nhân và sự đổi mới, gia tăng hàm lượng khoa học trong hoạt động làng nghề, các tổ chức văn hóa, giáo dục, các nghệ nhân;
  5. Tổ chức đánh giá việc thực thi các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, hướng dẫn phụ nữ chủ động tạo ra tiền đề gia tăng hàm lượng khoa học trong sản xuất kinh doanh thông qua việc nhanh nhạy tiếp cận thị trường và biết tích lũy, làm giàu từ tài sản trí tuệ, hiểu và thực hiện CNVH một cách tự tin.
  6. Tiếp cận Dự án ichLinks (dự án Xây dựng nền tảng chia sẻ thông tin tích hợp về di sản văn hóa phi vật thể tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương) do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), Bộ VH,TT&DL là tổ chức đối tác, kết nối xây dựng, phát triển hệ thống nền tảng trực tuyến về làng nghề hoa kiểng Cái Mơn – bác học Trương Vĩnh Ký phục vụ mục đích chia sẻ thông tin, thu thập dữ liệu và sử dụng nội dung cần thiết trong hệ thống di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
SV Vũ Trường Huy, khoa Ngữ văn Pháp, trường ĐHXH & NV Tp. Hồ Chí Minh đặt câu hỏi với diễn giả tại Tọa đàm. - Ảnh: LT
SV Vũ Trường Huy, khoa Ngữ văn Pháp, trường ĐHXH & NV Tp. Hồ Chí Minh đặt câu hỏi với diễn giả tại Tọa đàm. – Ảnh: LT

Cũng tại Tọa đàm này, ThS. Phạm Văn Luân đã thông tin về quá trình Bến Tre chuẩn bị và trình hồ sơ khoa học danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trình UNESCO ra Nghị quyết kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu vào năm 2022, dự kiến cuộc họp Hội đồng UNESCO sẽ diễn ra trong tháng 4/2021, tặng sách mới nhất về Nguyễn Đình Chiểu mang tên “NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (1822-1888), NHÀ THƠ LỚN, NHÀ VĂN HÓA KIỆT XUẤT” do GS.TS. Nguyễn Chí Bền biên soạn, đây là một phần quan trọng trong quá trình xây dựng Hồ sơ khoa học Danh nhân Văn hóa Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam đến đại biểu quốc tế tại Tọa đàm. Tổng lãnh sự Lào tại Tp Hồ Chí Minh Bà Phimpha Keomixay, người phản biện bài trình bày của đại biểu Bến Tre đã đánh giá cao vai trò của Phụ nữ Bến Tre từ trong lịch sử đã được biết đến với bà Nguyễn Thị Định, nay có bà Nguyễn Thị Kim Ngân… bà Tổng lãnh sự Lào tin tưởng rằng với truyền thống vẻ vang của phụ nữ Bến Tre trong các thời kỳ lịch sử, trong kỷ nguyên số phụ nữ Bến Tre sẽ làm nên những kỳ tích mới, trước hết là ở phụ nữ quê hương bác học Trương Vĩnh Ký.

Tặng sách Nguyễn Đình Chiểu cho bà Phimpha Keomixay Tổng lãnh sự Lào
Tặng sách Nguyễn Đình Chiểu cho bà Phimpha Keomixay Tổng lãnh sự Lào
Bà Wong Chia Chiann Tổng lãnh sự Malaixia - Ảnh LT
Bà Wong Chia Chiann Tổng lãnh sự Malaixia – Ảnh LT
PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân phát biểu tại Tọa đàm. - Ảnh: LT
PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân phát biểu tại Tọa đàm. – Ảnh: LT

Phát biểu tổng kết Toạ đàm PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, trưởng khoa Đô thị học, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á cho rằng: Tọa đàm khoa học quốc tế “Nâng cao quyền lực của phụ nữ đô thị trong kỷ nguyên số” đã nhận được sự quan tâm của nhiều học giả, nhà ngoại giao, doanh nhân tâm huyết với vấn đề nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ trong cách mạng công nghiệp 4.0, chỉ ra những khó khăn, thách thức của phụ nữ đô thị đang gặp phải; cac bài báo cáo, chia sẻ và ý kiến thảo luận tại Tọa đàm đã góp phần làm phong phú những tài liệu về chủ đề này và thực sự là diễn đàn để những nhà nghiên cứu được trao đổi quan điểm của mình trong môi trường tự do học thuật có tính quốc tế. Tọa đàm vì vậy còn có ý nghĩa trong việc nâng cao trình độ chuyên môn và kiến thức thực tế cho sinh viên, khuyến khích sinh viên nghiên cứu về giới, hình thành các tư duy phát hiện các vấn đề trong đô thị hiện đại và liên kết với các vấn đề có tính kết nối quốc tế cao như câu chuyện Trương Vĩnh Ký, câu chuyện vinh danh Nguyễn Đình Chiểu ở tầm Thế giới…

Theo: Lâm Trúc