Chuyển tới nội dung

Khám phá Khu Văn hóa Thiên Mã nơi có tượng Quan Âm cao nhất Việt Nam 125m

Khu Văn hóa Thiên Mã nơi có tượng Quan Âm cao nhất Việt Nam 125m

Khu Văn hóa Thiên Mã tọa lạc ở núi Thiên Mã với khung cảnh tuyệt đẹp, nơi giao thoa giữa biển, núi và sông. Điểm nhấn của khu văn hóa này là ngôi chùa Minh Đức cùng tượng Phật Quan Âm cao nhất Việt Nam (125m).

Đây là bức tượng Phật Quan Âm cao nhất Việt Nam khi vượt các bức tượng ở núi Bà Đen (Tây Ninh) cao 72m và ở chùa Linh Ẩn (TP. Đà Lạt) cao 71m. Bức tượng này cũng trở thành tượng Quan Âm cao nhất Đông Nam Á và nằm trong top những tôn tượng Phật Quan Âm cao nhất thế giới.

Khu Văn hóa Thiên Mã ở đâu?

  • Khu văn hóa Thiên Mã rộng khoảng 90 ha ở hai xã Tịnh Long và Tịnh Khê thuộc TP. Quảng Ngãi. Khu văn hóa được xây dựng trên núi cao khoảng 75 m, là một trong ba ngọn núi “Tam Thiên” nổi tiếng của Quảng Ngãi gồm: Thiên Ấn, Thiên Bút, Thiên Mã.
  • Núi Thiên Mã nằm ở bờ bắc sông Trà Khúc, nơi cuối dòng sông đổ ra cửa biển. Tuyến đường Dung Quất – Sa Huỳnh chạy vòng quanh chân núi, kết nối các tỉnh lân cận. Người đứng trên núi có thể nhìn bao quát TP. Quảng Ngãi.
  • Dự án khu Văn hóa tâm linh Thiên Mã và Chùa Minh Đức được tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt cuối năm 2017 với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng. Đầu năm 2020 lễ đặt đá khởi công xây dựng, hiện khu Long Hoa Viên, tượng Di Lặc đã hoàn thành.
Chánh điện chùa Minh Đức và nhiều hạng mục đã cơ bản hoàn thành
Chánh điện chùa Minh Đức (Quảng Ngãi) và nhiều hạng mục đã cơ bản hoàn thành.

Khu Văn hóa Thiên Mã và Chùa Minh Đức có gì?

  • Điểm nhấn của Khu Văn hóa Thiên Mã là tượng Quan Âm cao 125m nằm trong khuôn viên Chùa Minh Đức do Hòa thượng Thích Tâm Vị, nguyên quán xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi sáng lập. (Hòa thượng đang trụ trì hai ngôi chùa lớn tại tỉnh Lâm Đồng là chùa Linh Phước (chùa ve chai) và chùa Linh Ẩn).
  • Chánh điện của chùa rộng gần 12.000 m2, điểm cao nhất của chánh điện lên đến 51m có nhiều không gian như Tiền Sảnh, Đại Hùng Bảo Điện, Đông Điện, Tây Điện, Tháp Chuông, Tháp Trống, Lầu Kinh Đông, Lầu Kinh Tây (Tàng Kinh Các).
  • Đại Hùng Bảo Điện với ba tượng Phật cao 21 m. Từ nền gạch đến trần Đại Hùng Bảo Điện cao 26 m. Ở giữa là tượng Phật Thích Ca, bên phải là tượng phật Dược Sư, bên trái là tượng phật A Di Đà .
  • Bức tường phía đông và tây của Đại Hùng Bảo Điện đã thực hiện 64 bức phù điêu là chuyện kể về cuộc đời Đức Phật. Trụ chống mái Điện Tam Bảo có đường kính 1,6 m, cao 26 m và cắm sâu 35 m vào lòng đất. Dự kiến năm nay, chánh điện chùa hoàn thiện trang trí nội thất.
  • Lan can của chánh điện dài trên 1.000 m. Du khách đứng ở đây có thể tản bộ để ngắm cảnh bốn hướng ra biển, đảo Lý Sơn, trung tâm TP Quảng Ngãi và khu Dung Quất, khu đô thị Vạn Tường, huyện Bình Sơn.
  • Tầng thứ 11 trong bụng tượng Quan Âm có những cửa sổ nhìn ra biển và bốn hướng, sẽ thiết kế cầu thang máy để lên tới đỉnh tượng.
  • Du khách tới đây có thể nhìn thấy Cửa Đại – nơi sông Trà Khúc đổ ra biển. Đỉnh núi là một đài quan sát tự nhiên, có thể nhìn bao quát thành phố Quảng Ngãi hai bên bờ sông, những làng chài, làng rau, nhiều danh lam thắng cảnh khác, và đảo Lý Sơn.

Hiện trạng khu văn hóa Thiên Mã và Chùa Minh Đức Quảng Ngãi

  • Hiện khu Long Hoa Viên, tượng Di Lặc đã hoàn thành. Chánh điện chùa Minh Đức còn phần trang trí nội thất dự kiến sẽ hoàn thành năm 2023. Chánh điện 12.000 m2 có Đại Hùng Bảo Điện với ba tượng Phật cao 21 m, hai bức tường khắc 64 bức phù điêu về cuộc đời Đức Phật.
Việc thi công tượng Phật Quan Âm cao nhất Đông Nam Á vẫn đang được tiếp tục thực hiện
Việc thi công tượng Phật Quan Âm cao nhất Đông Nam Á vẫn đang được tiếp tục thực hiện.
  • Trong lúc chờ ngôi chùa hoàn thành, một chùa tạm được dựng lên bằng rơm và đất sét cách đó khoảng 100 m dành cho chư, tăng tu tập, điều hành xây dựng dự án chùa.
  • Ngoài ra, chùa còn nhiều tiểu cảnh hấp dẫn như cầu Nghinh Phong (cầu sắt cảnh để check-in, đón gió), khu trưng bày nhiều tượng phật và đồ gỗ quý, hàng ngàn cối đá xưa được bố trí bên triền núi.
  • Đại diện chùa Minh Đức cho biết sắp tới ở núi Thiên Mã còn nhiều hạng mục lớn được xây dựng như: Tháp Phật Hoàng cao 45 m, Y Phương Đường, Rừng Vạn Phật, Vườn Bách Mã, Nội Viện… Nơi đây sẽ trở thành điểm văn hóa tâm linh đặc sắc của Quảng Ngãi và cả nước.

Đôi điều về ba ngọn núi “Tam Thiên” ở Quảng Ngãi

  • Quảng Ngãi có ba ngọn núi “Tam Thiên” gồm Thiên Ấn, Thiên Bút và Thiên Mã. Trong đó, Thiên Ấn ở bờ bắc sông Trà Khúc là ngọn núi nổi bật nhất, tạo nên danh xưng “Núi Ấn – Sông Trà“, cách người Quảng Ngãi gọi vùng đất quê hương. Thiên Bút cũng là một trong 12 thắng cảnh của tỉnh, được cổ nhân đặt cho mỹ tự “Thiên Bút phê vân” (nghĩa là bút viết vào mây trời).
Toàn cảnh khu văn hóa Thiên Mã và Chùa Minh Đức ở Tp. Quảng Ngãi
Toàn cảnh khu văn hóa Thiên Mã và Chùa Minh Đức ở Tp. Quảng Ngãi nhìn từ trên cao.
  • Còn núi Thiên Mã nằm ở cuối sông Trà Khúc nơi dòng sông sắp hòa vào biển. Không nổi tiếng bằng hai ngọn núi trên, nhưng ba năm trở lại đây Thiên Mã trở thành địa chỉ nổi bật trên bản đồ du lịch, trung bình mỗi ngày có hàng trăm khách, cao điểm có thể hàng nghìn, đến tham quan.
  • Thiên Mã từng được người xưa nhắc đến trong ca dao nổi tiếng nói về truyền thống hiếu học, đỗ đạt thành tài của người Quảng Ngãi. “Khi nào Thiên Mã sang sông/ Thì Làng Mỹ Lại mới không công hầu”.
  • Núi Thiên Mã còn có tên gọi khác là núi Gióng. Ngư dân đánh bắt trên dòng Kinh Giang và ngoài biển, nhìn lên đất liền thấy núi Gióng, cận kề là núi Đầu Voi hay núi Tranh (vì nhiều cỏ tranh). Nên người xưa đặt câu dân ca: “Ngó vô Tranh, Gióng giao kề/ Tiếng oan anh chịu, em về tay ai”. Đây là một truyền ngôn bí ẩn vì không rõ sự liên quan “em về tay ai” và hai ngọn núi Gióng, Tranh.
  • Làng Mỹ Lại nằm ở phía bắc núi Thiên Mã, nay thuộc xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi (nơi diễn ra vụ thảm sát Mỹ Lai) là ngôi làng nổi tiếng với truyền thống khoa bảng. Làng có rất nhiều người làm “công hầu” (làm quan trong triều đình), tiêu biểu là ông Trương Đăng Quế. Ông đỗ Hương tiến (Cử nhân, học vị cao nhất lúc bấy giờ) năm Gia Long thứ 18 (năm 1819), là người đầu tiên ở Quảng Ngãi đạt được học vị này.
  • Nhắc đến núi Thiên Mã, không thể không nói về sông Kinh Giang. Sông Trà Khúc đi qua núi Thiên Mã thì rẽ thành hai nhánh. Một nhánh đổ ra Cửa Đại về biển, một nhánh đi song song bờ biển, tạo thành sông Kinh Giang dài 8 km.

Nguồn: Tổng hợp.