Chuyển tới nội dung

Lễ Khởi động Dự án Xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại vùng ven biển xã Thừa Đức, huyện Bình Đại

Lễ Khởi Động Dự án Du lịch Sinh thái Biển dựa vào Cộng Đồng đầu tiên tại Bến Tre

Vào ngày 28/01/2021, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ Dịch vụ và Phát triển cộng đồng Nông Ngư nghiệp Việt Nam (FACOD)(*) trực thuộc Hội nghề cá Việt Nam đã tổ chức “Lễ Khởi động Dự án Xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại vùng ven biển xã Thừa Đức, huyện Bình Đại“.

Thành viên chủ chốt trong Ban điều hành Dự án  ra mắt - Ảnh LT
Thành viên chủ chốt trong Ban điều hành Dự án ra mắt – Ảnh: LT

Thành viên tham dự lễ khởi động dự án mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng

Tham dự lễ Khởi động dự án có bà Nguyễn Thị Thu HuyềnĐiều phối viên quốc gia, Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ – Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP-GEF SGP) cùng trên 70 đại biểu là đại diện lãnh đạo Hội nghề cá Việt Nam, Liên hiệp các Hội KHKT Tỉnh, sở Khoa học và Công nghệ, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Cửu Long, CĐ Bến Tre, Nhóm sáng tạo Khởi nghiệp Bến Tre và các sở ngành, đoàn thể tỉnh, huyện cùng đại diện cộng đồng hưởng lợi từ dự án là bà con ngư dân xã Thừa Đức, huyện Bình Đại và phóng viên các báo, đài trong tỉnh.

Thành viên tham dự Lễ Khởi động Dự án Xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại vùng ven biển xã Thừa Đức, huyện Bình Đại
Thành viên tham dự Lễ Khởi động Dự án Xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại vùng ven biển xã Thừa Đức, huyện Bình Đại

Quá trình hình thành và phát triển dự án

Trong báo cáo giới thiệu dự án, bà Trần Thị Thu NgaGiám đốc Trung tâm FACOD cho biết: Từ tháng 4 năm 2020, Trung tâm FACOD đã phối hợp với Công ty CPXK Thủy sản Hưng Trường Phát và Hợp tác xã Thủy sản Đồng Tâm (huyện Bình Đại) thực hiện dự án “Xây dựng chuỗi liên kết nghêu bền vững tại Bến Tre” do Chương trình AMD Bến Tre tài trợ;

Năm 2019 – 2020 phối hợp với trường Đại học Môi trường Hà Nội thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình nuôi sò huyết bền vững có sự tham gia của cộng đồng” tại xã Thừa Đức, huyện Bình Đại. Và qua quá trình nghiên cứu thực tề tại địa phương, xét thấy còn nhiều vấn đề bức xúc cần phải tiếp tục hỗ trợ cộng đồng địa phương tích cực tham gia bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản nói riêng và bảo tồn, phát triển bền vững hệ sinh thái nói chung nhằm phát triển kinh tế biển và ven biển ổn định, lâu dài…đã tiếp cận thiết kế dự án ứng tuyển tham gia chương trình các dự án nhỏ với chủ đề: “Các tổ chức cộng đồng tham gia bảo vệ và phát triển bền vững môi trường và hệ sinh thái vùng ven biển” thuộc Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam – Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc – Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP-GEF SGP).

Mô hình nuôi sò huyết bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại xã Thừa Đức, huyện Bình Đại
Mô hình nuôi sò huyết bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại xã Thừa Đức, huyện Bình Đại

Trải qua nhiều vòng thẩm định, xét duyệt, kết quả Dự án Xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại vùng ven biển xã Thừa Đức, huyện Bình Đại của Trung tâm FACOD đã được chọn và là 1 trong 4 dự án tiêu biểu của cả nước được tài trợ 50.000 USD để thực hiện. Căn cứ kết quả xét tài trơ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã có công văn số 232/ UBND-NgV ngày 14/01/2021 V/v tiếp nhận Dự án, Hội nghề cá Việt Nam ra quyết định số 01/HNC-2021 ngày 20/01/2021 V/v tiếp nhận nguồn vốn viện trợ không hoàn lại hỗ trợ phát triển chính thức dành cho Trung tâm FACOD của Quỹ Môi trường toàn cầu. Từ các kết quả này, Trung tâm FACOD đã chính thức khởi động dự án với Ban điều hành gồm 21 thành viên do bà Trần Thị Thu Nga, Giám đốc Trung tâm FACOD làm trưởng Ban.

Tại lễ khởi động Dự án, bà Nguyễn Thị Thu Huyền phát biểu bày tỏ sự vui mừng sau thời gian tích cực chuẩn bị tuy có muộn so với tiến độ nhưng Dự án vẫn được khởi động với sự tâm huyết và năng động của lãnh đạo và cán bộ Trung tâm FACOD, chính quyền và bà con ngư dân địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền cũng đã chia sẻ những khó khăn của địa phương khi triển khai dự án trong lúc cả nước phải đương đầu với đại dịch Covid-19 và bày tỏ sự quan tâm ủng hộ Ban điều hành dự án cùng địa phương triển khai thực hiện dự án thành công, đạt được mục tiêu: Góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên vùng ven biển; tạo sự cân bằng giữa khai thác sử dụng bền vững nguồn lợi thuỷ sản thông qua phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại khu vực cửa sông, bãi bồi vùng ven biển tỉnh Bến Tre. Từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng và các bên liên quan đối với việc bảo tồn các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường tự nhiên, về phát triển nông, lâm, thủy sản bền vững và an toàn thực phẩm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống bản địa.

Nhận định của chuyên gia về dự án

Theo ThS. Phạm văn Luân, nhóm Sáng tạo Khởi nghiệp Bến Tre: “Xây dựng thành công mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại những vùng có tiềm năng phát triển (nguồn lợi nông, lâm, thủy, hải sản tự nhiên, cảnh quang thiên nhiên phong phú, đa dạng, cơ sở hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt của du khách) là một việc làm có ý nghĩa rất lớn đối với huyện Bình Đại vốn được cho là du lịch biển đang đi sau các huyện biển khác trong tỉnh”.

ThS. Phạm Văn Luân (bìa trái) trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Huyền (bìa phải). - Ảnh LT
ThS. Phạm Văn Luân (bìa trái) trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Huyền (bìa phải). – Ảnh LT

Mô hình dự án của FACOD có tác động “kép” nên không chỉ góp phần vực dậy du lịch biển Bình Đại vốn “đi trước” mà còn hướng đến giáo dục ý thức khai thác bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, giáo dục lịch sử truyền thống và văn hóa bản địa không chỉ cho người dân địa phương mà cả cộng đồng du khách và quian trọng hơn cà là đề xuất được cơ chế, chính sách phát triển du lịch sinh thái biển dựa vào cộng đồng từ bài học kinh nghiệm triển khai ở xã Thừa Đức.

Cũng theo ThS. Phạm Văn Luân, đây là lần đầu tiên Bến Tre có dự án được Quỹ toàn cầu tài trợ theo chương trình “Kinh tế biển xanh”, dự án này không chỉ đem lại lợi ích cho cộng đồng ngư dân, ngành du lịch mà cả các trường ĐH – CĐ khi các trường được phối hợp đào tạo cho khoảng 150 người dân về phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; góp phần đảm bảo có ít nhất 90% thành viên tham gia trực tiếp dự án nhận thức rõ vai trò của hệ đa dạng sinh học đối với cuộc sống con người và việc phát triển sinh kế, 25% thành viên tham gia các mô hình là hộ nghèo và cận nghèo được cải thiện; 70% mô hình sinh kế có sự tham gia của phụ nữ; ít nhất 50% các hộ tham gia có thu nhập tăng; ít nhất 30% các hộ tham gia (trước đây sống lệ thuộc vào các nguồn tài nguyên) không còn sống lệ thuộc hoàn toàn vào các nguồn tài nguyên này nữa.

Định hướng phát triển và hoàn thiện dự án mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng

Bà Trần Thị Thu Nga cho biết, để đạt được mục tiêu của Dự án đã được phê duyệt, từ nay đến tháng 12/2021 Dự án phải thực hiện 21 hoạt động với 6 kết quả đầu ra cụ thể và vững chắc nhằm ở ra thời cơ mới phát triển du lịch sinh thái cộng đồng vùng ven biển huyện Bình Đại.

Đại biểu tham dự Lễ Khởi Động chụp ảnh lưu niệm thể hiện quyết tâm và cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ
Đại biểu tham dự Lễ Khởi Động chụp ảnh lưu niệm thể hiện quyết tâm và cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ dự án mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng

Ngay sau lễ Khởi động Dự án, Ban điều hành dự án đã họp triển khai các hoạt động đầu tiên như:

  • Phối hợp với các Công ty Du lịch lữ hành khảo sát định vị khu vực triển khai mô hình của dự án, chọn lựa mô hình phù hợp với thực tế, xác lập tuyến du lịch, xác định hộ tiềm năng tham gia các tổ nghề nghiệp phục vụ du lịch;
  • Tổ chức cuộc thi nhiếp ảnh đẹp giới thiệu vùng dự án (Cảnh đêm trăng trên biển Thừa Đức, cảnh những con đường hoa, cảnh bình minh trên bãi biển Thừa Đức…).

Với năng lực và tâm huyết của chính quyền và cộng đồng địa phương xã Thừa Đức, huyện Bình Đại; sự hỗ trợ tích cực của Ban Điều phối Chương trình Quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc – Quỹ Môi trường toàn cầu, cùng nhiệt huyết của Ban điều hành Dự án, sự quan tâm hưởng ứng của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tin rằng dự án sẽ triển khai thành công và đạt được các mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao nhận thức và hành động bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường tự nhiên và sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, thu hút sự quan tâm của du khách, là sân chơi, nơi trải nghiệm bổ ích cho học sinh, sinh viên, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp du lịch và các nhà khoa học hướng đến hình thành một một chuỗi liên kết phát triển bền vững các giá trị tài nguyên thiên nhiên và nền văn hóa truyền thống bản địa vùng biển Bến Tre.

Theo Lâm Trúc, Nhóm STKN Bến Tre

Trên đây là tổng hợp những thông tin về Dự án Xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại vùng ven biển xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, Bến Tre. Du lịch Tôi và Bạn xin chia sẻ cùng các bạn.

Chúc các bạn có những chuyến đi thật vui và ý nghĩa!

Đừng quên gọi Hotline: 0907.98.33.96 để được hỗ trợ tư vấn về chuyến Du lịch Bến Tre sắp tới của bạn nhé!

Du lịch Tôi và Bạn hân hạnh được phục vụ Quý khách!


Chú thích:

  • Trung tâm FACOD được thành lập ngày 26/03/2010 bởi Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), hoạt động theo giấy phép được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre cấp ngày 20 tháng 5 năm 2010.
  • Thông tin liên lạc kết nối và tham gia dự án: Trung tâm FACOD – Email: facodvn@gmail.com